Tháng 5/2019, tại Giơnevơ, Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 72 đã thông qua quyết định lấy ngày 17/9 hàng năm là Ngày An toàn người bệnh thế giới.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới: hiện nay, ngay tại các nước phát triển, khi tiếp nhận các dịch vụ khám chữa bệnh, khoảng 10% người bệnh lại bị tổn hại sức khoẻ của bản thân do các sự cố y khoa. Trong các sự cố này có tới 50% nguyên nhân là có thể phòng tránh được như: phơi nhiễm với tia phóng xạ, nhiễm khuẩn bệnh viện, chẩn đoán chậm và không chính xác… Chi phí để điều trị hậu quả do các sự cố y khoa gây ra chiếm hơn 14% chi phí chung tại bệnh viện. Do vậy, an toàn người bệnh là vấn đề sức khoẻ cộng đồng mang tính toàn cầu.
Các hành vi sử dụng thuốc không an toàn và sự cố về sử dụng thuốc là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tổn hại (có thể phòng tránh được) trong việc chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu. Sự cố về sử dụng thuốc xảy ra khi hệ thống quản lý chất lượng yếu kém; các yếu tố chủ quan như nhân viên y tế mệt mỏi, điều kiện môi trường làm việc kém hay thiếu nhân lực đều ảnh hưởng tới an toàn sử dụng thuốc. Việc này có thể dẫn tới tổn hại nghiêm trọng cho người bệnh, gây tàn phế và thậm chí tử vong. Đại dịch COVID-19 kéo dài đã và đang làm trầm trọng thêm nguy cơ xảy ra sự cố về sử dụng thuốc và các tổn hại có liên quan đến thuốc. Trong bối cảnh đó, ‘SỬ DỤNG THUỐC AN TOÀN, KHÔNG GÂY HẠI’ được chọn làm chủ đề, khẩu hiệu cho Ngày An Toàn Người Bệnh Thế Giới 2022.
Chiến dịch toàn cầu Ngày An Toàn Người Bệnh Thế Giới năm nay tái khẳng định các mục tiêu của WHO: “Sử dụng thuốc an toàn, không gây hại” đã được WHO phát động từ năm 2017. Chiến dịch kêu gọi các bên liên quan ưu tiên hành động sớm để ngăn ngừa các tổn hại có thể ảnh hưởng cho người bệnh do các hành vi không an toàn liên quan đến thuốc. Những hành vi này bao gồm các tình huống nguy cơ trong chăm sóc, điều trị như dùng quá nhiều loại thuốc, dùng các loại thuốc nhìn giống nhau, đọc giống nhau (LASA). Chiến dịch sẽ tập trung đặc biệt vào tác động của đại dịch COVID-19 đối với an toàn sử dụng thuốc, liên quan đến sự gián đoạn nghiêm trọng việc cung cấp các dịch vụ y tế trong đại dịch.
Ngày An Toàn Người Bệnh Thế Giới là một trong những Ngày Sức khỏe cộng đồng toàn cầu của WHO, khởi đầu vào năm 2019 được Đại hội đồng Y tế Thế Giới lần thứ 72 thông qua tại nghị quyết WHA72.6: “Hành động toàn cầu về an toàn người bệnh”. Mục tiêu của Ngày An Toàn Người Bệnh Thế Giới là nâng cao nhận thức, sự tham gia của cộng đồng, nâng cao hiểu biết trên phạm vi toàn cầu và hướng tới sự đoàn kết hành động của các quốc gia thành viên để thúc đẩy an toàn và giảm thiểu tổn hại cho người bệnh.
Mục tiêu của Ngày An Toàn Người Bệnh Thế Giới 2022 là:
- NÂNG CAO nhận thức toàn cầu về gánh nặng của các tổn hại liên quan đến sự cố trong sử dụng thuốc hoặc các hành vi sử dụng thuốc không an toàn, đồng thời ỦNG HỘ hành động khẩn cấp để cải thiện An toàn sử dụng thuốc.
- TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP giữa các bên liên quan nhằm ngăn ngừa sự cố trong sử dụng thuốc và giảm tổn hại liên quan đến thuốc.
- HƯỚNG DẪN người bệnh và gia đình tham gia trong việc sử dụng thuốc an toàn.
- TÍCH CỰC TRIỂN KHAI Chiến dịch An Toàn Người Bệnh Toàn Cầu của WHO: Sử dụng thuốc an toàn, không gây hại.
Chiến dịch toàn cầu cho ngày An Toàn Người Bệnh Thế Giới 2022 đề xuất một loạt các hoạt động trong tháng 9 và trong ngày 17/09/2022, bao gồm triển khai các chiến dịch quốc gia, tổ chức các diễn đàn chính sách, các sự kiện, các sáng kiến, và như những năm trước, thắp sáng các tượng đài, địa danh và địa điểm công cộng mang tính biểu tượng bằng màu cam (dấu ấn đặc biệt của chiến dịch). WHO khuyến khích các quốc gia tham gia chiến dịch toàn cầu hưởng ứng: ‘SỬ DỤNG THUỐC AN TOÀN, KHÔNG GÂY HẠI’, nỗ lực triển khai Kế hoạch hành động An Toàn người bệnh toàn cầu 2021-2030.
Để biết thêm thông tin về Chiến dịch và các hoạt động được đề xuất, vui lòng truy cập trang sự kiện Ngày An Toàn Người Bệnh Thế Giới 2022 của WHO.
WHO khuyến khích chia sẻ những mô hình hay về chủ để An Toàn sử dụng thuốc có thể áp dụng trong thời gian tới tại:
Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ với WHO tại: