Bệnh nhược thị mắt là bệnh chỉ tình trạng thị lực của một bên hoặc cả hai bên mắt bị giảm do não không nhận biết được những hình ảnh mà mắt bệnh nhân chuyển đến khiến não tăng cường hoạt động với chỉ một mắt. Hiện tượng này còn gọi là mắt lười.
Trong quá trình phát triển ở trẻ em, đường dẫn truyền thị giác từ mắt đến não dần hình thành và hoàn thiện. Trong giai đoạn này bất kỳ nguyên nhân nào làm cản trở việc phát triển thị giác của hai mắt hoặc có sự tương tác bất thường giữa hai mắt dẫn đến việc hoàn thiện đường dẫn truyền thị giác bị gián đoạn đều có thể gây nhược thị. Tỉ lệ nhược thị gặp ở trẻ em dưới 6 tuổi chiếm khoảng 3%. Sau 7 tuổi, não bộ và thần kinh thị giác đã ổn định, nên mọi điều trị sau thời gian này thường kém hiệu quả. Do đó cần phải để ý phát hiện sớm trẻ bị nhược thị để có biện pháp can thiệp kịp thời tránh biến chứng nặng nề.
1. NGUYÊN NHÂN
Nhược thị có thể phát triển từ những vấn đề về thị lực và những vấn đề khác của mắt. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra nhược thị ở trẻ.
- Lác mắt : Đó là khi mắt hướng về hai hướng khác nhau. Một mắt có thể được tập trung thẳng về phía trước trong khi mắt kia di chuyển vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống phía dưới. Để tránh bị song thị, não của đứa trẻ có thể bỏ qua hình ảnh từ mắt không tập trung nhìn thẳng. Nhưng điều này có thể làm cho mắt không phát triển bình thường.
- Tật khúc xạ : Có tật khúc xạ có nghĩa là bị cận thị,viễn thị hoặc có bệnh loạn thị (nhìn hình méo hoặc mờ). Một đứa trẻ có thể có một tật khúc xạ nặng hơn ở một mắt. Mắt đó có thể nhìn kém hoặc không nhìn thấy và thị lực sẽ không phát triển bình thường. Điều này có thể làm cho chúng ta khó nhận ra con mình có vấn đề vì thị lực của trẻ vẫn bình thường khi nhìn bằng cả hai mắt.
- Hiện tượng đục các thành phần trong suốt của mắt : Một số trẻ được sinh ra với bệnh lý đục thủy tinh thể , nơi thấu kính bình thường của mắt bị đục. Điều này làm cho thị lực của mắt không phát triển bình thường được.
2. TRIỆU CHỨNG
Những dấu hiệu thường gặp trong bệnh nhược thị:
- Mắt lác: Là hiện tượng hai mắt hướng về hai hướng khác nhau.
- Các bất thường khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị.
- Đục các thành phần trong suốt của mắt như thủy tinh thể làm thị lực mắt không phát triển được.
- Các biểu hiện khác như nheo mắt, mỏi mắt hay nghẹo cổ khi nhìn không rõ.
3. CHẨN ĐOÁN
Nhược thị chẩn đoán bằng kiểm tra từng mắt một cách kỹ càng và toàn diện. Các bác sĩ sẽ tiến hành các kiểm tra để chẩn đoán như:
- Kiểm tra thị lực bằng đo thị lực.
- Kiểm tra khúc xạ.
- Xác định trạng thái của hệ thống vận động mắt
- Xác định định vị
Đối với trẻ em cần được khám và kiểm tra thường xuyên để có biện pháp điều trị kịp thời vì bệnh thường biểu hiện một bên mắt nên trẻ nhỏ và cha mẹ khó nhận biết nếu không chú ý.
4. ĐIỀU TRỊ
Bệnh nhược thị thường được điều trị bằng cách khuyến khích trẻ sử dụng mắt yếu hơn. Điều này có thể được thực hiện bằng cách đặt một miếng che trên mắt tốt hơn của đứa trẻ. Một cách khác là làm cho thị lực của mắt tốt hơn bị mờ đi bằng sử dụng một loại thuốc nhỏ chuyên dụng. Hoặc trẻ có thể đeo kính với tròng kính có tác dụng làm mờ đi hình ảnh trong mắt đó.
Có thể mất vài tuần đến vài tháng để thị lực trở nên tốt hơn trên mắt yếu hơn. Một khi trẻ đã có thị lực tốt hơn ở mắt đó, trẻ cần che mắt một khoảng thời gian trong ngày trong một vài năm. Điều này giúp cho giữ thị lực của trẻ tốt hơn.
Trong một số trường hợp, bác sĩ nhãn khoa sẽ đề nghị phẫu thuật để khắc phục các vấn đề về mắt gây ra nhược thị. Sau khi phẫu thuật, đứa trẻ có thể cần phải đeo miếng che hoặc che bên mắt tốt hơn cho đến khi mắt của trẻ được cải thiện.
Có thể ngăn ngừa mất thị lực do nhược thị. Nhưng điều trị chỉ có hiệu quả nếu trẻ chỉ sử dụng mắt yếu hơn để nhìn. Trẻ em không thích đeo miếng che mắt hoặc làm mắt mờ đi. Tuy nhiên, bạn cần giúp con mình làm những gì tốt nhất cho chúng.
5. TIÊN LƯỢNG
Khi trẻ bị nhược thị, điều quan trọng là làm cho thị lực tốt hơn ở mắt có thị lực kém. Ngay cả khi các vấn đề về mắt gây ra nhược thị được điều chỉnh bằng kính hoặc phẫu thuật, thì việc điều trị nhược thị là nên làm. Nếu không, trẻ sẽ gặp các vấn đề về thị lực suốt đời.
TÀI LIỆU THAM KHẢO :